Chương XX: TÍN THÁC TRONG SỰ BẤT LỰC CỦA TA

§I. - Mùa xuân và mùa hạ của đời sống thiêng liêng.

-   Nên thánh là một công trình lâu dài.

-   Đừng ngạc nhiên về sự bất lực của mình.

-   Cũng đừng nản chí.

-   Hãy luôn giữ vững niềm ước ao nên thánh: đó là dấu chỉ của tiến bộ.

Mùa xuân và mùa hạ của đời sống thiêng liêng. – Nên thánh là một công trình lâu dài. – Đừng ngạc nhiên về sự bất lực của mình. – Những bước đầu của đời sống thiêng liêng của ta thường có vẻ một mùa xuân vui tươi. Mặt trời thần linh tỏa xuống linh hồn ta những tia nắng tươi sáng và ấm áp. Ân sủng Chúa thổi nhẹ nhàng trên ta làm nở rộ những bông hoa nhân đức. Ta thấy mọi sự đều tốt lành. Và chúng ta đầy nghị lực. Chúng ta tưởng như sẽ nên thánh sau một thời gian ngắn, nên thánh mau lẹ hơn những người xung quanh ta : ta không thấy rõ lắm sự thánh thiện của họ.

Những an ủi thiêng liêng có vẻ đang biến đổi tâm hồn ta. Ơn Chúa làm cho ta thấy vui sướng trong những sự hãm mình mà trước kia chúng ta rất sợ. Rồi những khi có dịp, chúng ta đã thực thi được những hành vi của đức khiêm nhường âm thầm và quảng đại : chúng ta đã có thể cảm thấy vui khi bị khinh chê.

Nhất là linh hồn ta tự cảm thấy như được bao bọc bởi không khí siêu nhiên. Ta có cảm tưởng như đã bỏ được mọi quyến luyến với những sự thế gian, vì ta đã nhận ra tính chất hư ảo của chúng. Ta cảm thấy hạnh phúc được ở lâu dưới chân Chúa Giêsu Thánh Thể, hoặc chuyện vãn với Chúa trong đáy lòng mình. Vâng, đó là mùa xuân, là thời gian của an vui, của những hoạt động hăng hái, của thời kỳ nở hoa của các nhân đức.

Dần dần Thiên Chúa gỡ linh hồn ra khỏi những quyến luyến của các vật thọ tạo. So với những niềm an ủi thiêng liêng Chúa ban, linh hồn thấy các sự vui sướng thế gian rất kém cỏi và giả dối. Nhưng khi Thiên Chúa đã đạt được thành qủa này rồi, Ngài liền toan tính một công việc khó khăn hơn, vì sâu xa hơn. Công việc phải thực hiện bây giờ là dứt bỏ chính bản thân ta. Trong những niềm vui thần linh, linh hồn dễ có ảo tưởng về mình : nó tưởng nó mạnh mẽ lắm và đã lớn lên trong đường nhân đức. Nó tưởng nó có đôi cánh. Một sự tự mãn âm thầm, một thứ cao vọng nguy hiểm đang nhập vào nó. Cho nên Chúa thấy nó cần phải kíp nhận biết tất cả sự yếu đuối của nó. Nó phải hiểu rằng nó vẫn chỉ là một con gà con bé nhỏ, không bao giờ nên xa rời đôi cánh ấp ủ của mẹ nó.

Thiên Chúa sẽ cất đi những niềm an ủi, sẽ để cho nó cảm thấy thấm thía sự bất lực của nó. Mùa xuân tươi mát đã qua rồi. Thay vì khí xuân đầm ấm, nay ánh nắng mặt trời sẽ thiêu đốt nó, làm cho nó khô héo. Các bông hoa lần lượt rụng xuống. Linh hồn cảm thấy mình cô đơn, một mình chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Nó không còn cảm thấy vui mừng khi gặp những thánh giá, những dịp phải hạ mình. Nó chán ngán khi cầu nguyện. Không khí siêu nhiên không còn nữa, và bị thay thế bằng những cái nhìn vật chất. Nó không còn cảm thấy mến yêu Chúa Giêsu. Ôi linh hồn đáng thương hại ! Mi hoàn toàn mất định hướng, không biết đi về đâu… Sự thánh thiện mà hôm qua nó nghĩ là gần kề, nay xem ra xa vời. Những khiếm khuyết nho nhỏ, có thời đã lặn đâu, nay lại xuất hiện.

Những quyết tâm quyết chí của nó giống như những ánh lửa mau qua, vừa loé lên đã vội tắt ngúm. Linh hồn đã bao lần quyết chí, rồi lại bấy nhiêu lần lỗi phạm. Một bầu không khí chán nản dần dần xâm chiếm linh hồn. Và linh hồn tự hỏi : “tôi cứ tưởng mình được kêu gọi nên thánh. Và tôi đã cảm thấy mình được nhiều ơn Chúa. Có lúc tôi đã cảm thấy sự thánh thiện không còn bao xa. Nhưng nay tôi phải tự hỏi : phải chăng tất cả đều là ảo tưởng ? Và nay có lẽ tôi phải tự nhủ : tôi đã lầm. Tôi không có khả năng nên trọn lành. Con người của tôi không có tầm thước để nên thánh…”.

Hỡi linh hồn đáng thương hại ! Hãy an tâm và tín thác. Đúng là Chúa đã gọi mi nên thánh. Sự thánh thiện là phần đã được dành cho mi. Nếu không, Chúa đã không gợi lên những niềm ao ước nồng nàn mà mi đã có. Nếu Thiên Chúa không kêu gọi và muốn mi nên thánh, Ngài đã không gợi lên bấy nhiêu tâm tình và quyết chí tốt lành của mi. Ngài không đưa tay ra dắt mi để rồi bỏ rơi mi đâu. Nếu Ngài không yêu thương mi cách đặc biệt, nếu Ngài không muốn mi nên thánh, Ngài đã không kêu gọi mi làm linh mục, làm tu sĩ. Ơn kêu gọi này là một ơn kêu gọi nên thánh. Ngài đã muốn dành ơn đó cho mi ngay từ khi mi bắt đầu bước vào đường nhân đức. Nay Ngài vẫn muốn cách rất tha thiết, và Ngài muốn hơn mi muốn ngàn vạn lần.

Không, những ước muốn và quyết chí nên thánh của mi không phải là ảo tưởng. Nếu có ảo tưởng thì đó là tư tưởng sai lầm của mi về sự nên thánh. Mi đã ảo tưởng khi nghĩ rằng thánh thiện là công việc của mấy ngày, mấy tháng, và đường trọn lành là con đường đầy an vui. Mi đã lầm khi nghĩ mình đã từ bỏ mình trong lúc được an ủi, đã khiêm nhường khi được người ta qúi mến, đã yêu mến đau khổ khi đau khổ mang lại những an ủi thiêng liêng. Nay mi mới thấy sự thật về mình. Đấy, sự thật mi là thế đấy.

Vậy mi đừng ngạc nhiên khi thấy mình yếu đuối, cứng đầu, ích kỷ, nhất là khi ân sủng của an ủi bỏ rơi mi : “Sự yếu đuối, mà yếu đuối thì có lạ gì đâu, cũng như sự khốn nạn mà khốn nạn và sự đau yếu mà đau yếu ! chúng ta phải nhẫn nhục với chính bản thân mình, bởi vì chúng ta là những con người, chứ không phải là thiên thần ! chúng ta sẽ chỉ được hoàn toàn chữa lành khi ở trên thiên đàng”.

Những sự yếu đuối đó, những khuyết điểm đó thường gây buồn phiền cho ta, nhưng đó lại chính là những cửa sổ rất đáng qúi, để ánh sáng và ân sủng Chúa chiếu vào tâm hồn ta, giúp ta nhận ra sự khốn nạn và bản chất hư vô của mình. Chúng giúp ta dần dần chữa lành cái tật tự đại dại dột của mình. Chúng sẽ dần dần hủy diệt sự cậy mình rất tự nhiên của ta, và dạy ta đặt tất cả tin tưởng nơi một mình Thiên Chúa.

“Phải xác tín và tin chắc rằng sự khốn nạn của ta là căn nguyên mọi sự yếu đuối của ta, và Thiên Chúa để ta như thế vì thương xót ta. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ hết thầm cậy mình và tự kiêu tự đại. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu rằng mọi điều ác đều do ta, và mọi điều thiện đều do Thiên Chúa. Cần phải có cả triệu kinh nghiệm bản thân mới đạt được tập quán nghĩ như  thế. Và những nết xấu càng lớn và càng ăn rễ sâu trong tâm hồn ta, thì càng phải có nhiều kinh nghiệm hơn”[1].

Vậy không nên ngạc nhiên vì thấy mình đầy những sự khốn nạn và những khiếm khuyết, nhất là vào thời kỳ mất ơn an ủi, và mặc dầu chúng ta quyết tâm, chúng ta gia tăng việc suy gẫm, và mặc dầu những buổi tĩnh tâm của chúng ta. Đừng quên rằng mùa xuân của đời sống thiêng liêng đã qua rồi. Ơn an ủi vẫn sưởi ấm linh hồn trước kia, nay chỉ thỉnh thoảng mới thổi vào tâm hồn ta. Những bông hoa mang lại niềm vui xưa kia, nay đã rụng xuống, còn các trái thì khuất dưới lá và còn lâu mới chín. Có thể chúng ta chỉ thấy và được nếm chúng vào cuối mùa hạ, hoặc vào mùa thu của cuộc đời. Từ đây đến đó, chúng ta phải lao động, phải cuốc xới, phải tưới nước mà không được hưởng thụ gì hết. Nhất là chúng ta phải để cho Chúa là chủ vườn được tùy ý vun xới, cắt tỉa theo ý định tốt lành của Ngài, không bao giờ nghi ngờ hoặc muốn làm khác ý của Ngài.

Nhưng tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu nữa? Chúng ta sẽ cứ còn phải thấy mình sa phạm vào trăm ngàn nết xấu và cứ cảm thấy mình bất lực như thế này sao ? Đời sống hiện nay của ta có giá trị lớn cho cuộc sống vĩnh cửu, vậy mà nó cứ diễn ra như thế này, không có cải thiện rõ ràng gì hết sao ? Năm tháng qua đi mau qúa, chồng chất lên nhau, mà tiến bộ thì không thấy rõ. - Hỡi các bạn, hãy tin tưởng và tín thác ! Cần nhất hãy tín thác ! Các bạn hãy sống quảng đại, hãy luôn cố gắng làm mọi sự cách tốt hết sức, rồi mọi sư  hãy tín thác nơi Chúa. Hãy cố gắng luôn sống theo ý Chúa, thực hiện mọi ước muốn của Ngài, và tin rằng Ngài luôn làm những sự gì tốt nhất cho các bạn. Chúng ta hãy triệt để tin vào tình thương của Ngài. Ta không cảm thấy mình tấn tới, bởi vì có lẽ tốt hơn cho ta nếu ta không cảm thấy gì hết, và chỉ mình Chúa Giêsu thấy thôi.

Xét cho cùng, các bạn đang lo buồn về một điều lẽ ra phải là nguồn an vui cho bạn. Các bạn lo buồn vì thấy rõ những sự khốn nạn của mình, hơn là thấy những tiến bộ. Đó chính là dấu hiệu của những tiến bộ lớn lao trên đường trọn lành. Bạn lo buồn vì những sự yếu đuối và những sự khốn nạn của mình: điều này chứng tỏ bạn đang tiến bộ, bởi vì những linh hồn không được Chúa gọi lên bậc trọn lành sẽ không bao giờ biết đến những lo buồn như thế.

Bạn nên biết rằng có những linh hồn có vẻ bằng lòng vì mình lắm. Xem ra họ trung thành vâng theo ý Chúa và ý của các Bề trên. Họ tưởng mình luôn sống theo ý Chúa trong mọi sự. Nhưng họ không nhận ra trăm ngàn hình thức của tính tự ái, thường làm dơ bẩn những hành động thánh thiện nhất của chúng ta. Họ không ý thức về những cái nhìn qúa vật chất, thường làm hoen ố ý ngay lành của họ. Bởi vậy họ hài lòng vì bản thân họ. Những linh hồn như thế sẽ không bao giờ được Chúa gọi lên cao trên đường trọn lành. Chúa biết họ sẽ không bao giờ đủ quảng đại để trải qua những giai đoạn mất an ủi, những đêm tối, những sóng gió mà các linh hồn phải trải qua để tới bến thánh thiện. Chúa biết nếu được gọi, họ sẽ bị đắm tàu. Cho nên Ngài chỉ để họ sống nho nhỏ với đời sống thiêng liêng bình thường, với những an ủi thông thường và những thử thách không mấy đáng sợ.

Như vậy điều làm bạn lo sợ và ưu phiền lại chính là dấu hiệu của những tiến bộ và là lý do để bạn an tâm. Về vấn đề này, xin bạn hãy nghe lời của một vị tôn sư trong đường thiêng liêng, ngài viết cho một người con thiêng liêng đang đau khổ vì những nghi nan ghê sợ : “Những tâm tình thấm thía của con về sự khốn khó và những tối tăm của con làm cha vui mừng, vì đối với cha, đó là dấu hiệu chắc chắn về sự ánh sáng của Chúa đã lớn lên trong con, mà con không biết, và đã xây dựng cho con một nền tảng rất vững vàng của đức khiêm nhường nội tâm. Sẽ đến lúc sự nhìn thấy những khốn nạn đang làm cho con ghê sợ hôm nay, sẽ mang lại cho con niềm vui tràn trề và sự bình an khoái trá. Bởi vì chỉ khi nào chúng ta xuống tới đáy của sự hư vô của mình, và đứng vững ở đó, chúng ta mới có thể bước đi trước mặt Chúa, trong sự công chính và trong sự thật”[2].

Đừng bao giờ nản chí. – Đừng bao giờ ngạc nhiên vì thấy mình sa ngã hoài, thấy mình bất lực, thấy tính tự ái sống dai dẳng, và thấy mình tiến bộ qúa chậm. Bởi vậy đừng bao giờ mất kiên nhẫn với bản thân mình và đừng bao giờ nản chí.

Luôn giữ được nhẫn nhục giữa những khó khăn của cuộc đời, giữa những người xô lấn ta và đụng chạm đến ta, là điều khó khăn lắm. Nhưng giữ được toàn vẹn sự nhẫn nhục đối với bản thân mình, với bản tính của mình là cái luôn ở trong mình để làm phiền và làm khổ mình, lại còn là chuyện khó khăn hơn nhiều và thường khi là anh hùng. Ôi ! Thật là họa hiếm và qúi giá khi có một linh hồn biết cầm mình, biết giữ được bình an, vẫn khiêm nhường và hiền lành chấp nhận những cau có, những xỉ nhục do kẻ thù lớn nhất và tai hại nhất của ta là cái tôi của chúng ta, với tất cả những xu hướng xấu của nó. Điều này đòi hỏi rất nhiều hiền lành và khiêm nhường, rất nhiều nhẫn nhục và can trường. Nhưng điều này cũng mang lại cho ta những tiến bộ lớn lao trên đường trọn lành.

Một hôm, Chúa Giêsu đã nói những lời đầy khích lệ như sau với một linh hồn tốt lành đã trách mắng nặng lời bản tính xấu xa của mình : “Bởi vì Cha rất nhẫn nại đối với con, cho nên con cũng phải nhẫn nại đối với bản thân mình”[3]. Tất cả các linh hồn quảng đại hãy áp dụng lời này cho mình, vì sẽ rất ích lợi cho họ.

Vậy không bao giờ nên mất nhẫn nại đối với bản thân mình. Nhất là không bao giờ được nản chí.

Một hôm, một chị tập sinh đến than thở với thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu vì không thấy mình tiến bộ. Và chị ấy tỏ vẻ ngã lòng. Thánh nữ liền trả lời chị : “Cho đến mười bốn tuổi, tôi đã tập nhân đức mà không cảm thấy gì là ngọt ngào. Tôi đã ước ao chịu đau khổ mà không nghĩ đến vui mừng. Ơn này đã chỉ được ban cho tôi sau đó thôi. Lúc đó linh hồn tôi giống như một cây mà bao nhiêu bông hoa đều nở ra là rụng hết. Chúng ta hãy dâng Chúa lễ hy sinh, là không bao giờ được hái trái, nghĩa là suốt đời cảm thấy ngại chịu đau khổ, ngại chịu xấu hổ, nhìn những bông hoa của ước nguyện chân thành và của thiện chí rụng xuống mà không kết qủa. Thế rồi, trong nháy mắt, vào giờ chết của ta, Chúa sẽ cho thấy tất cả những trái xinh đẹp đã chín trên cây linh hồn ta”[4].

Một linh hồn đầy thiện chí đã than thở với Chúa Giêsu vì những ước ao không thành và những nỗ lực không hiệu qủa của mình. Thầy chí thánh rất nhân hậu đã an ủi linh hồn đó bằng ví dụ dễ thương sau đây : “Trong khu vườn của linh hồn con, Cha trồng cả những cây hoa và những cây ăn trái. Những bông hoa là những niềm ước ao quảng đại của con mà con không thực hiện được. Đó là những khát vọng nồng nàn mà ân sủng của Cha làm nảy sinh trong tâm hồn con : chúng làm Cha vui thích vì vẻ đẹp và hương thơm của chúng. Còn những trái ngon ngọt là những hành động mà ân sủng Cha giúp cho con thực hiện trong lòng mến. Cha yêu thích thứ nào hơn ? Những bông hoa thơm ngát, hay những trái ngon ngọt ? Cha yêu thích và chăm bón cả hai thứ. Những cây hoa xinh đẹp và những cây có trái ngon ngọt, cả hai thứ làm Cha vui thích và hạnh phúc”. Những linh hồn quảng đại, hay than phiền vì thấy mình vẫn cứ xa lý tưởng mong ước, có thể áp dụng cho mình những lời đầy an ủi này của Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng nên nhớ câu nói thời danh của thánh nữ Catarina thành Siêna : “Thiên Chúa mong ước nơi chúng ta những công trình hoàn hảo cũng như những ước nguyện lớn lao”.

Vậy chúng ta đừng bao giờ nản chí, nhưng sau mỗi sa ngã nho nhỏ, sau mỗi lỗi phạm lời thề ước, chúng ta hãy can đảm chỗi dậy ngay, lại tiếp tục bước đi cách quảng đại, mặc cho vết thương chảy máu ở chân. Ôi, điều này đòi hỏi nhiều can đảm lắm. Không nên hoài nghi điều này. Nó rất có lợi cho đức khiêm nhường của ta. Chúa Giêsu và các thánh chứng kiến những sự chỗi dậy tiếp tục như thế với nhiều thương mến và vui mừng, vì dầu sao đó cũng là dịp để thực tập nhiều nhân đức.

Một chị nữ tu nản chí vì thấy mình cứ mãi vướng vào những sai lỗi. Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu nói với chị : “Em làm tôi nghĩ đến đứa bé mới đứng vững và mới tập bước đi. Nó nhất định muốn lên cầu thang để gặp mẹ nó ở trên lầu. Nó giơ bàn chân bé nhỏ của nó, để bước lên bậc thang thứ nhất. Cố gắng vô ích ! Nó luôn luôn té nhào, không tiến bộ chút nào. Vậy em hãy nhìn xem em bé này và hãy là đứa bé này ! Em hãy thành tâm tập các nhân đức, hãy nâng bàn chân nhỏ bé của em lên, để bước lên cầu thang của sự thánh thiện, và em đừng tưởng có thể lên được bậc thứ nhất. Không, em không lên được đâu, nhưng Thiên Chúa cũng chỉ đòi em phải có quyết chí. Từ trên cao, Ngài nhìn xem em cách rất âu yếm : một hôm, bị chinh phục bởi những cố gắng vô ích của em, Ngài sẽ đích thân đi xuống để bồng em trên cánh tay Ngài, mang em lên trời với Ngài, nơi đó em sẽ không bao giờ rời xa Ngài nữa”.[5]

Và ta hãy xem Chúa Giêsu đã âu yếm ngăn ngừa một linh hồn Ngài rất yêu thương để đừng rơi vào chỗ nản chí. “Bêninha yêu dấu của Cha, con hãy giữ mình đừng rơi vào nản chí, vì đó sẽ là điều tệ hại chỉ đứng sau tội lỗi thôi. Khi cỏ dại mọc lên tràn lan ở một thửa đất, đó là dấu mảnh đất này tốt : vậy chỉ cần nhặt hết cỏ dại đi và gieo hạt giống tốt vào đó. Con có tình yêu mạnh mẽ và nồng nàn : chỉ cần lấy đi khỏi trái tim con tình yêu mình, và đặt vào đó tình yêu các linh hồn”.

Vậy chúng ta đừng chán nản vì cứ phải chống lại các tính xấu mãi. Hãy lại quyết chí, luôn giữ được niềm tín thác nơi Chúa, và đừng bao giờ cậy mình. Sự kiên trì không mệt mỏi này, sự chê bỏ mình để luôn luôn trông cậy vào sức mạnh của Chúa, sẽ kéo xuống trên ta những ân sủng rất trọng đại : và trong một thời gian ngắn, ơn Chúa sẽ thực hiện được những điều mà bao nhiêu nỗ lực của ta không làm được trong một thời gian dài.

Thỉnh thoảng cũng nên nhớ lại câu truyện mẻ lưới lạ lùng của mấy tông đồ, sau khi Chúa sống lại. Mấy ông tông đồ, đứng đầu là Phêrô rất hùng dũng, đã cùng nhau đi thả lưới. Họ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Lúc tảng sáng, một người lạ mặt xuất hiện và hỏi các ông có bắt được gì không. Các ông thưa không, một cách chán nản. Khi đó người khách lạ bảo các ông : “Hãy thả lưới bên hữu sẽ có cá”. Và chúng ta biết các tông đồ đã có mẻ lưới rất lạ lùng (xem Ga 21,6).

Đó là cách Chúa Giêsu xử sự với ta. Chúa thường đợi đến lúc chúng ta cảm nghiệm thấy mình thất bại và hoàn toàn mất tin tưởng vào mình, thì Ngài mới tỏ cho thấy quyền năng vô cùng lớn lao và kỳ diệu của Ngài. Vì lòng mến Ngài, chúng ta đã nỗ lực, chống lại nết xấu nọ, tính xấu kia. Và chúng ta nỗ lực hoài công cho tới ngày Chúa can thiệp vào, và đã có đổi thay rất tốt lành và lạ lùng.

Thánh nữ Têrêxa thành Avila, một vị đại thánh của đường trọn lành, đã kể lại chuyện bà đã uổng công đấu tranh nhiều năm để diệt trừ một thói xấu. Một hôm, vì thương Chúa Giêsu đã ban cho bà ơn hiệp nhất, và lập tức bà thấy mình thoát khỏi nết xấu đáng ngã lòng này.

Hãy luôn giữ vững niềm ước ao nên thánh: đó là dấu hiệu chắc chắn của tiến bộ. – Dầu bề ngoài xem ra thế nào đi nữa, dầu mọi sự coi như hỏng hết rồi, chúng ta vẫn phải giữ vững sự can đảm. Đừng để cho sự nản chí tới gần ta, vì nó là kẻ thù nguy hiểm hơn hết. Và nhất là phải giữ vững niềm nhiệt thành ước ao nên thánh.

Những khát vọng nồng nàn mà trước kia ta nuôi dưỡng khi bước vào đường nhân đức, ta không nên để chúng yếu đi, nhưng phải lo cho chúng mạnh thêm và sâu sắc thêm. Nhất là đức cậy trông là yếu tố chủ chốt của đời sống thiêng liêng, phải lớn lên và mạnh mẽ thêm.[6]

Và để được an ủi, chúng ta nên biết rằng, nơi những linh hồn quảng đại, những sự ước ao nên thánh như thế vẫn thường lớn lên theo ngày tháng. Còn nơi những tâm hồn tầm thường, những khát vọng và những ước ao này thường rụng xuống như lá mùa thu khi bị gió lay. Trái lại nơi những tâm hồn nhiệt thành, những niềm ước ao này vẫn được giữ vững, và họ luôn đói khát tình thương của Chúa, cả trong những khi gặp gian truân chán nản.

Họ bị ám ảnh bởi hình ảnh Thiên Chúa. Họ cảm thấy nhu cầu được ở gần Chúa, và nhu cầu này sẽ càng trở nên khổ sở, khi có vẻ như Chúa xa họ. Vâng, họ ước ao Chúa, và chính vì họ ước ao Ngài, mến yêu Ngài, cho nên họ rất đau khổ vì thấy mình còn ở xa Ngài, chưa được kết hiệp với Ngài. Họ sợ trì trệ, hoặc tiến bộ qúa ít trên đường nên thánh. Sự ưu phiền này là hoa trái của những ước ao thánh thiện, cũng như những ước ao thánh thiện này là hoa trái của lòng yêu mến. Những linh hồn nguội lạnh và tầm thường không bao giờ biết đến những lo buồn thánh thiện này. Đó là viên đá thử vàng, giúp ta biết mình có tiến bộ trên đường nhân đức chăng. Nếu có những lúc ta cảm thấy những lo buồn này, thì thật là có phúc cho ta. Ta hãy can đảm và cảm tạ Chúa vì những hồng ân của Ngài.

Vâng, chúng ta hãy có những ước vọng nồng nhiệt, hãy để cho tâm hồn ta bốc cháy bởi những khát khao yêu mến Chúa và kết hiệp với Ngài. Những khát vọng này rất đẹp lòng Ngài, và sẽ đưa ta tới đỉnh cao của sự thánh thiện. “Hạnh phúc thay người có nhiều ước nguyện thánh thiện !”.

§II. - Sự thánh thiện của ta, trước hết là công trình của Chúa. - Những kế hoạch nên thánh của ta và của Thiên Chúa.

Sự thánh thiện của ta, trước hết là công trình của Chúa. – Những kế hoạch nên thánh của ta và của Thiên Chúa. – Có một chân lý rất quan trọng cho đời sống thiêng liêng và người ta thường quên đi trong những giờ phút bất lực, cho nên mới sinh ra bối rối và ngã lòng. Chân lý đó là : trong công cuộc nên thánh của ta, Thiên Chúa giữ vai trò rất lớn, còn vai trò của chúng ta thì rất nhỏ, tuy rằng rất cần thiết.

Và định luật của cuộc sống thiêng liêng là càng lên cao, chúng ta càng lệ thuộc vào ơn Chúa. Ở trên đồng bằng, nơi những linh hồn tầm thường sát cánh bên nhau, người ta cũng lệ thuộc vào Chúa, nhưng điều này không khẩn trương và không rõ lắm. Nhưng khi chúng ta bắt đầu lên cao, và càng lên thì càng cần nhiều nỗ lực, và những hiểm nguy càng xuất hiện, với những vực thẳm trước mặt và hai bên đường, chân ta có thể bị trượt, đầu bị chóng mặt: Khi đó, ta càng rất cần đến sự hướng đạo và sức nâng đỡ của Chúa. Khi đó chúng ta cảm thấy rất cần đến ánh sáng của Chúa để soi đường cho ta, và ơn phù trợ của Chúa để nâng đỡ sự yếu đuối của ta.

Chỗ sai lầm của chúng ta là chúng ta dự thảo ra những chương trình nên thánh thường không phù hợp với những ý định của Chúa quan phòng, rồi khi những chương trình đó không thành công như ý của ta, ta đâm ra chán nản. Chúng ta có thể áp dụng cho mình những lời một vị thánh nhân thần bí đã ghi lại trong cuốn nhật ký của mình : “Mỗi lần tôi muốn phác ra những kế hoạch nên thánh, tôi đều sớm nhận ra là mình chẳng hiểu biết gì hết”. Đúng thế, trên con đường nhiệm mầu của sự thánh thiện, đầy những bất ngờ và cũng đầy những vực thẳm, con đường mà chỉ mình Chúa biết, vì mỗi định mệnh của một người là một thực tại riêng biệt, cho nên cũng chỉ mình Chúa có thể dẫn dắt ta tới đích là sự trọn lành.

Nhiều khi Chúa phải tỏ uy quyền toàn năng của Ngài cho ta thấy bằng cách để ta cảm nghiệm thấm thía sự bất lực của mình. Có thể nói Ngài để mặc chúng ta, tha hồ nỗ lực và cố gắng sửa nết xấu này, tập nhân đức kia. Nhưng vô ích hoàn toàn vô ích, chúng ta quyết chí và cố gắng sống khiêm nhường hơn trong cách cư xử với anh em, chấp nhận những chống đối cách vui lòng… Nhưng nỗ lực vô ích, chúng ta thấy mình cố gắng uổng công, hoặc gần như thế. Chúng ta đã nỗ lực nhiều mà không thấy có tiến bộ gì.

Còn Thiên Chúa, Ngài đã làm việc một cách khác hẳn và theo một hướng khác, có vẻ như không có nhiều nỗ lực về phía chúng ta, nhưng Ngài đã thực hiện được một sự thay đổi lạ lùng ở trong ta. Thiên Chúa đã làm việc theo đường lối của Ngài : trong khi chúng ta không ý thức, Ngài đã thực hiện ở trong ta đức khiêm nhường nội tâm, qúi giá hơn sự khiêm nhường rất nhiều, và nếu thiếu nó thì nhân đức khiêm nhường bên ngoài của ta không thể đứng vững.

Hoặc chúng ta cố gắng trở nên bác ái hơn đối với anh em, tránh mọi cử chỉ bất nhẫn và bực tức. Đáng buồn thay ! thiện chí của ta luôn vướng vào những hoàn cảnh bên ngoài bất lợi. Cố gắng thật nhiều, mà vẫn thấy mình sai phạm, khi nhiều khi ít. Nhưng khi Chúa làm việc, thì Ngài nhẹ nhàng thắp lên ngọn lửa yêu mến nồng nàn của ta đối với Ngài, và lửa mến này đã dần dần cảm hóa chúng ta, thay đổi lối sống của ta, thay đổi tâm tư  và cái nhìn của ta, làm chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu trong con người của anh chị em mình, và như thế có thể dẫn chúng ta tới những hành vi anh hùng của đức ái huynh đệ.

Tôi đã chẳng thấy những gì tương tự như thế ở trong tôi đó sao ? Những sự bất lực khiến tôi nản chí đều nằm trong phạm vi hoạt động của bản thân tôi, và ngay bên cạnh những nỗ lực của tôi là lãnh vực hoạt động của Chúa, và Ngài đang thu hoạch những mùa lúa rất phấn khởi.

Khi tôi nhìn vào linh hồn tôi và nhớ lại bao nhiêu năm tháng sống trong tình thân mật với Chúa Giêsu, tôi không khỏi cảm thấy nghẹn ngào và đau đớn. Lạy Chúa Giêsu, phải chăng đó là sự thật ? Sau bao năm và sau bao nhiêu nỗ lực, chân thành, con vẫn còn khác Chúa qúa như thế sao ? Những ham muốn của con khác những ham muốn của Chúa và những khát vọng sâu xa của con cũng khác những ước nguyện của Chúa ! Lòng mến yêu thập giá của Chúa đối lập hẳn với tâm tình sợ đau khổ của con… Lòng khát khao sống khiêm hạ của Chúa khác xa sự thèm muốn được bạn bè và các Bề trên qúi mến mà con thấy ở trong con…. Đức ái quên mình của Chúa khác hẳn với tính ích kỷ của con, luôn tìm những tiện nghi và những lợi ích cho mình…. Và đức hiền lành vô tận của Chúa khác xa tính quạu cọ và thiếu nhẫn nhục của con. Tất cả những đức tính thánh thiện và cao qúi của Trái Tim Chúa xem ra vẫn vắng bóng trong tâm hồn con, hoặc được thay thế bằng những đam mê nghịch lại… !

Lạy Chúa Giêsu, con ngạc nhiên và rất buồn về sự thật đó. Vâng, bao nhiêu năm con đã sống trong tình thân của Chúa, ăn cùng một bàn, uống cùng một chén với Chúa…. Hơn nữa, hằng ngày Chúa đã nuôi dưỡng con bằng Thịt và Máu châu báu Chúa, để con được kết hiệp và đồng hóa với Chúa. Chúa đã là trung tâm cuộc sống của con, là linh hồn của linh hồn con. Sự vắng mặt của Chúa đã khiến con buồn rầu, và khi cảm thấy Chúa ở bên con, con đã sống những giờ phút an vui và hạnh phúc. Vậy tại sao, lạy Chúa con mến yêu, tại sao vẫn tồn tại những sự khác biệt này ? Sau bao nhiêu suy gẫm, sau bao nhiêu quyết tâm, sau bao nhiêu thống hối, làm sao những gì làm cho bản tính con khiếp sợ vẫn cứ làm con ngại ngùng, và từ đáy lòng con, con vẫn cứ tìm cách tránh lánh các thập giá mà con biết Chúa yêu mến ?

Và Chúa Giêsu đã trả lời tôi bằng tiếng nói vô cùng hiền từ và đầy yêu thương của Ngài, khiến tôi vừa vui mừng vừa xấu hổ : “Hỡi linh hồn yêu dấu, các nỗ lực của con đã không uổng công đâu. Không, không uổng công đâu. Cha đã không muốn để con đi lạc đường. Những năm tháng phục vụ rất quảng đại của con đã không phải là một thất bại đâu. Con hãy an tâm và con hãy tin chắc rằng con đã sống đẹp lòng Cha, rất đẹp lòng Cha, như Cha đã nhiều lần nói cho con biết. Con đã yêu mến Cha cách chân thành và hết lòng.

“Những điểm còn dở dang, con chưa hoàn thành được và thường làm con lo âu, tuy có quan trọng nhưng không quan trọng bằng những điểm khác mà Cha không ngớt lo cho con. Mà con biết : điều Cha muốn thực hiện hơn hết ở nơi con, là hủy diệt sự tự tin vào mình, một điều qúa tự nhiên đối với con người, mà sự tự tin, sự cậy mình đó, có khuynh hướng coi những hồng ân Cha ban là của riêng nó. Sự hủy diệt này càng tỏ ra cần thiết, vì Cha muốn dẫn con lên cao hơn. Nhất thiết con phải gột sạch tính tự cao tự đại này, bởi vì làm sao Cha có thể rót những hồng ân cao qúi của Cha vào trong một cái bình còn đầy tự tin ?

“Cha cũng muốn con phải chán ghét mình, cho nên Cha để con thấy mình rất xấu xa, đầy những sự khốn nạn, như thế con sẽ chán ngán và chê ghét bản thân mình và quay sang yêu mến Cha hết lòng, vì Cha là sự tốt lành tuyệt đối và Cha là của con”.

“Cha cũng đã muốn con cảm nghiệm thấm thía sự bất lực của con, để con tuyệt đối thất vọng về mình, đừng bao giờ còn nghĩ đến chuyện cậy dựa vào mình, vì con là cây sậy mỏng manh, sẽ gẫy ngay nếu không dựa vào ân sủng của Cha. Thất vọng về mình như thế, bỏ được tính cậy vào sức mình như thế là điều khó khăn hơn là chịu một vài sự xỉ nhục và đau khổ”.

“Sau cùng, Cha muốn con giữ luôn ý thức sâu xa về chân lý này : mọi sự tốt lành ở trong con đều do Cha, cho nên con sẽ luôn tôn vinh và chúc tụng Cha, và con chỉ nhận là của riêng con những sự khốn nạn và tội lỗi của con. Tất cả con người của con là sản phẩm của ân sủng Cha, và Cha đã vất vả chiến thắng những chống đối của con. Không một phần nhỏ nào của các nhân đức của con mà không tốn bao công trình và ân sủng của Cha. Vậy con phải hiểu cách dứt khoát rằng con chỉ có quyền nói : Ôi ! Nếu tôi đã quảng đại và trung thành hơn, chắc tôi đã trọn lành hơn vào lúc này”.

Ôi ! Những lời ngọt ngào của Chúa Giêsu nhân từ ! Những lời này thấm sâu vào linh hồn tôi, như một thứ dầu nóng linh nghiệm và qúi báu ! Tôi sẽ đau khổ dường nào nếu Chúa bảo rằng tôi đã đi lạc đường, tôi đã nỗ lực vô ích, tôi đã không sống đẹp lòng Ngài ! Ôi, lời Chúa đã an ủi tôi vô cùng và khích lệ tôi. Đồng thời lời Chúa đã khiến tôi phải xấu hổ, xấu hổ một cách dịu dàng, đầy mến yêu, đến nỗi tôi yêu thích sự xấu hổ này. Vâng, bây giờ tôi, vì những sự khốn nạn của mình, chúng giúp tôi chê ghét cái tôi kinh khủng của tôi, để càng yêu mến Chúa hơn vì Chúa tốt lành vô cùng. Những lời của Chúa giêsu làm tôi thấy rằng tôi là đứa bé của tình thương đầy thương xót của Chúa, đứa bé đã được chọn vì sự nghèo hèn cùng cực của nó, để nó trở thành kỳ công của lòng thương xót vô biên của Chúa.

Chúng ta hãy để Chúa Giêsu làm việc theo ý Ngài trong việc thánh hóa chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng và để Ngài làm việc theo kế hoạch của Ngài. Rất có thể ta thấy Ngài làm theo cách rất khác chúng ta. Như chúng tôi đã trình bày trên kia, Chúa làm việc một cách giống như người thợ dệt thảm cao cấp ngày xưa : người thợ kiên nhẫn thêm vào từng cụm sợi, có những mẫu khác nhau và theo kế hoạch ở trong đầu người đó. Người thợ dệt thảm này dệt theo sợi dọc và làm việc như vậy ở mặt trái của tấm thảm, cho nên phải đợi khi tấm thảm đã hoàn thành và được cắt ra khỏi khung cửi, người ta mới được ngắm tất cả những hoa văn và nghệ thuật tài tình mà trước đó người thợ có vẻ như  đã làm việc mò !

Bởi vậy chúng ta không được cộng tác vào việc nên thánh của mình theo những tư tưởng của mình nhưng phải hoàn toàn theo ơn soi sáng của Chúa Giêsu, vì Ngài là nghệ sĩ thần linh. Chính Ngài nắm giữ kế hoạch mà ta phải tuân theo. Công việc của ta, tài nghệ của ta là phải vô cùng mềm dẻo dưới sự uốn nắn của Chúa. Phải vâng theo các ước muốn và các sự thúc đẩy của Chúa. Chúng ta phải bước đi như người mù dưới sự dẫn dắt của Chúa Giêsu, hoàn toàn tin tuởng vào sự khôn ngoan thần linh của Ngài, ngày qua ngày, từng sợi một theo dòng ngày tháng, dưới bàn tay của Người thợ Dệt thần linh là Chúa Giêsu. Rồi sẽ đến ngày, sau khi chết, Chúa Giêsu sẽ chỉ cho ta thấy những chỗ đầy nghệ thuật mà Ngài đã thực hiện trên tấm vải cuộc đời của ta, với sự cộng tác của ta, và chúng ta sẽ vô cùng vui sướng tạ ơn Ngài về công trình nghệ thuật mà chúng ta đã nhẫn nại hoàn thành trong đêm tối của đức tin.

Chúng tôi thích nhắc lại đây mấy lời Đức cha Chasles Gay đã nói với một con thiêng liêng của ngài, khi cô này tỏ ra thiếu kiên nhẫn trong những tiến bộ thiêng liêng : “Con ngạc nhiên về hai điều, một là về những sự khốn nạn cứ tồn tại ở trong con, mặc dầu lòng mến Chúa đã gia tăng trong tâm hồn con, hai là về những tiến bộ có vẻ chậm chạp trong tình mến yêu Chúa. Con phải nhớ hiền thê của Chúa Giêsu là một bông huệ giữa bụi gai : gai góc sẽ giữ cho con mãi khiêm nhường, vì đức khiêm nhường rất cần thiết và rất có ích cho lòng mến của con. Cho đến hết đời mình, chúng ta phải biết rằng nhân đức của ta cần đến những yếu đuối của mình để cải thiện mình. Vậy cũng như thánh tông đồ mà Chúa Giêsu đã dạy cho biết giáo lý này, chúng ta phải vui mừng và hãnh diện trong những sự yếu đuối của mình, để sức mạnh của Chúa Giêsu được tràn lan và tỏ rõ hơn trong ta. Còn về chuyện con thấy mình tiến bộ chậm qúa, con chỉ cần tiến bộ theo nhịp Chúa muốn… Thiên Chúa có những đường lối khiến tâm trí ta không hiểu được. Con hãy tín thác nơi Chúa về sự mau chậm này, cũng như trong mọi sự. Điều con viết cho cha đó, đã nhắc cha nhớ một lời đầy thương xót mà Chúa mới nói gần đây với một linh hồn về một linh hồn khác : “Điều nó còn thiếu, chính là điều Cha chưa làm cho nó”. Và linh hồn đó đã được an ủi vô cùng. Cha nghĩ điều này cũng đúng cho con. Và con có thể chia sẻ phần bánh an ủi này. Ôi ! sự bình an ! Chúng ta phải cảm tạ Chúa dường nào ! Vì bình an là điều rất bổ ích cho ta”[7].

§III. - Từ vực sâu của sự bất lực, chúng ta hãy kêu cầu Chúa. Giờ ân phúc đã gần.

- Hoàn toàn quên mình là cách thế duy nhất để tìm thấy bình an trong một số giờ phút.

Từ vực sâu của sự bất lực, chúng ta hãy kêu cầu Chúa. Giờ ân phúc đã gần. – Như đã được trình bày trên đây, cảm tưởng sâu xắc về sự bất lực của mình là một ơn trọng đại của Chúa. Đó là điều Thiên Chúa tìm trăm ngàn cách để thực hiện ở nơi ta. Chúng không ngừng đào sâu vực thẳm của sự bất lực và cảm tưởng về hư vô ở trong ta. Nhưng công việc nên thánh của ta không dừng lại ở đó. Để nên thánh, ta phải có đủ hai điều: phải hoàn toàn thất vọng về mình, và phải trọn vẹn tin tưởng nơi Chúa. Vậy cùng với cảm thức sâu xa về sự bất lực của mình, ta phải có tâm tình tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Mỗi ngày tôi đào sâu thêm vực thẳm của sự bất lực của tôi, nhưng với ơn Chúa, tôi cũng phải hằng ngày xây đắp niềm cậy trông nơi Chúa. Ý thức đau đớn về sự bất lực và về những sự khốn nạn của tôi sẽ phải là sự khởi đầu cho việc xây dựng niềm cậy trông vô biên nơi Chúa. Với ơn trợ lực của Chúa, sự thất vọng về mình phải được biến thành sự cậy trông trọn vẹn nơi Chúa.

Không gì có thể mang lại cho ta ý tưởng đầy đủ về hai tâm tình này bằng hình ảnh đứa trẻ thơ. “Bé nhỏ, yếu đuối, không có khả năng nào hết, đứa trẻ thơ tự nó không thể làm gì hết. Nhưng nếu có người cha âu yếm ở cạnh nó để lo lắng cho nó, thì sự bất lực của nó sẽ là nguyên lý của sức mạnh. Chúng ta biết tại sao thế. Đứa trẻ thơ muốn bước đi, nhưng nó không có khả năng : hai chân nó qúa yếu, không thể mang nổi nó. Cũng có thể một nguy hiểm đe dọa nó, và nó tìm cách tự bảo vệ. Nhưng cánh tay yếu ớt của nó hoàn toàn bất lực. Hạnh phúc thay cho nó ! Cha nó đang đứng đó. Nó ngẩng mặt nhìn cha nó. Cha nó đã hiểu : ông cúi xuống, bồng nó lên, ôm ghì nó trên trái tim mình. Ông sung sướng bồng ẵm nó. Ông âu yếu bảo vệ nó. Thế là đứa trẻ thơ trở thành mạnh sức bằng tất cả sức mạnh của cha nó.

“Đó là đặc ân diễm phúc của tuổi thơ ấu, làm cho đứa trẻ thơ được mau mắn và mạnh mẽ cứu giúp trong sự bất lực của nó. Sức mạnh vô song của cái nhìn van lơn của đứa trẻ thơ, không một lòng cha nào ở trần gian này có thể cưỡng lại. Và Thiên Chúa là người Cha tốt lành hơn mọi người cha muôn ngàn lần, Đấng đã tạo thành trái tim của các người cha theo khuôn mẫu Trái Tim Ngài, Ngài có thể cưỡng lại sao ?”[8].

Đứa trẻ thơ có ý thức bẩm sinh và mạnh mẽ về sự bất lực của nó và sức mạnh đầy yêu thương của cha và mẹ nó. Đó là điều chúng ta cần phải có. Như vậy, thay vì để mình bủn rủn trước những khó khăn lớn lao, niềm tín thác của ta sẽ càng phấn khởi đến mức anh hùng, vì biết rằng những gì chúng ta không làm được do sức của chúng ta, thì Cha chúng ta ở trên trời sẽ làm cho chúng ta. Và như vậy, vào đúng lúc, chúng ta sẽ nhớ rằng Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta, và Ngài đã cúi xuống để giúp đỡ chúng ta.

Khi Chúa nhân từ nhìn thấy con cái Ngài ở trong cảnh bất lực, đã chán ngán và không cậy vào sức mình nữa, thì Ngài đưa hai cánh tay uy hùng và thương xót của Ngài ra để đón chúng ta. Chúng ta hãy đáp lại bằng cách gieo mình vào lòng Ngài, với niềm tín thác mến yêu. Giờ phút của niềm tín thác trọn vẹn đã điểm. Giờ phút của những ơn phúc lạ lùng đã gần. Thiên Chúa sắp tôn vinh thánh Danh Ngài, bày tỏ uy quyền và tình thương của Ngài. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Ngài có thể hoàn thành những điều kỳ diệu. Đối với Ngài, thời gian không thành vấn đề. Ngài có thể giúp linh hồn thực hiện những tiến bộ phi thường. Ngài sẵn sàng ban cho ta những hồng ân lớn lao, miễn là niềm tín thác kém cỏi của ta không giới hạn lòng quảng đại của Ngài.

Louis de Grenade đã nói rất chí lý như sau về những hoàn cảnh ta cảm thấy mình bất lực nhất : “Chúa quan phòng dành quyền đích thân giải cứu những khó khăn đặc biệt lớn lao trong đời sống thiêng liêng của ta, còn những khó khăn thông thường thì Ngài để cho những nguyên nhân đệ nhị giải quyết”.

Các thánh luôn vững tin vào chân lý này, cho nên đó là bí quyết giữ cho các ngài luôn trọn vẹn tín thác. Ta hãy cố gắng bắt chước các ngài. Vậy nếu chúng ta có cảm nghĩ sâu sắc về sự hoàn toàn bất lực của mình, nếu chúng ta thấy các sự khó khăn xảy đến dồn dập một cách khác thường, khiến chúng ta tin rằng không bao giờ mình có thể nên thánh, thì chúng ta hãy tin rằng giờ phút để Chúa can thiệp vào đã gần, miễn là chúng ta hết lòng tín thác chạy đến với Chúa. Chúng ta hãy cậy trông, mạnh mẽ cậy trông nơi Chúa, bởi vì chúng ta không còn có thể cậy vào sức mình nữa.

Mới cách đây vài năm, Chúa Giêsu đã nói những lời đầy an ủi sau đây với một linh hồn Ngài chọn làm “thư ký của tình yêu” của Ngài, để nói cho thiên hạ biết lòng nhân hậu bao la của Ngài : “Bêninha của Cha, Cha không thể làm cho con nên thánh, nếu con không trao cho Cha chìa khóa của ý chí con. Nhưng nếu con trao cho Cha, không những Cha sẽ làm cho con nên thánh, mà còn nên một vị đại thánh. Chỉ trong một lúc, Cha có thể sửa chữa tất cả dĩ vãng của một linh hồn, miễn là linh hồn đó đối xử với Cha như với một Thiên Chúa nghĩa là nó đừng giới hạn lòng nhân hậu của Cha bằng sự nghi ngại của nó, đừng hạn hẹp lòng thương xót của Cha bằng những lo âu của nó, và đừng đo lường tình thương của Cha bằng tình thương của nó”.[9]

Rồi để tỏ cho biết Ngài rất ước ao ban cho ta những ơn trọng đại để thánh hóa  ta, Chúa Giêsu đã nói với chị Bêninha như sau : “Cha rất khổ tâm nhận lại những ân sủng Cha ban cho các linh hồn mà họ không muốn nhận. Bởi khi gặp được một linh hồn để Cha được tự do đổ đầy ân sủng xuống cho nó, tâm hồn Cha rất vui thỏa” [10].

Đâu là những linh hồn làm cho Thánh Tâm Chúa vui  thỏa vì để Ngài được tự do hoạt động ở trong họ ? Đó là những linh hồn quảng đại, hết lòng ước ao nên thánh, và vì cảm thấy mình bất lực, nên đã đặt trọn vẹn niềm tín thác nơi Thánh Tâm Chúa.

Ước gì tôi được đứng vào số những linh hồn này ! Cảm nghiệm về sự bất lực của mình không phải là điều tôi thiếu. Nhưng tôi sẽ phải xin Chúa Giêsu ban thêm ơn tin tưởng và tín thác cho tôi, một niềm tín thác trọn vẹn, bởi vì cũng như đức khiêm nhường, niềm tín thác không do nỗ lực của ta mà có cho bằng do ơn Chúa ban. Tất cả những lý lẽ có sức thuyết phục nhất,  tất cả những cách chứng minh mạnh mẽ nhất về lòng thương xót của Chúa cũng sẽ không phát sinh niềm tín thác ở trong tôi, nếu Chúa không ban cho tôi nhân đức này, vì tín thác là một nhân đức siêu nhiên. Vậy tôi phải năng cầu  xin Chúa ơn này và phải tha thiết cầu xin. Khi đó, tôi sẽ trở thành một trong những linh hồn diễm phúc, vì Chúa Giêsu nói về họ rằng : “Những linh hồn tín thác nơi cha là những linh hồn lấy được tất cả mọi ân sủng của Cha”.

Hoàn toàn quên mình là cách thức duy nhất để tìm thấy bình an trong một số giờ phút.– Sẽ có những lúc, vào những giờ phút chúng ta cảm thấy mình khốn khổ, không làm sao tìm lại được sự bình an vui tươi và trong sáng rất cần thiết cho tâm hồn. Chúng ta uổng công nại đến tất cả những lý do để tin tưởng vào Chúa, chúng ta đã lý sự với mình hồi lâu, chúng ta đã nài xin Chúa, nhưng xem ra Ngài giả điếc làm thinh và để mặc cho chúng ta vật lộn với những cơn buồn sầu. Chúng ta vẫn thật sự tín thác, nhưng có vẻ như niềm tín thác đã rút xuống nơi thẳm sâu của tâm hồn, để mặc cho ta chịu sóng gió.

Trong trường hợp đó, nên thêm vài niềm tín thác mà ta không cảm thấy nữa một tâm tình khác rất qúi trọng. Khi đó phải quay mặt đi khỏi cái hạt bụi bé nhỏ là thân phận chúng ta : hãy quên mình đi, hãy nhìn đi phía khác, hãy nhìn lên Chúa Giêsu vô cùng mến yêu, hãy dành tất cả mọi sự chú ý cho Ngài. Thân phận thọ tạo của chúng ta có là gì đâu ? Tất nhiên những ước nguyện của chúng ta là những ước nguyện thánh : chúng ta mong ước trở nên tốt lành hơn, thánh thiện hơn, để làm vui lòng Chúa hơn. Nhưng trong vũ trụ bao la này, vật thể bé nhỏ của thân ta có đáng gì đâu ? Thiên Chúa không cần đến những lời chúc tụng của chúng ta để được tôn vinh và hạnh phúc. Dầu chúng ta làm gì, Ngài vẫn tuyệt đối hạnh phúc. Vậy tôi phải vui mừng và vui sướng vì Thiên Chúa tôi yêu mến luôn tuyệt đối hạnh phúc như thế trong Ba Ngôi Chí Thánh. Ngoài ra, không có gì là quan trọng hết. Phần tôi, nếu tôi chưa yêu mến Chúa như tôi ước ao, ít ra tôi yêu mến Ngài hết lòng, với tất cả lòng mến yêu bé nhỏ của tôi. Tôi chỉ muốn yêu mến một mình Ngài, chỉ nhìn ngắm Ngài, và đặt tất cả vui sướng và hạnh phúc của tôi ở nơi Ngài.

Ôi ! Linh hồn sẽ ngàn lần diễm phúc, nếu nó quên mình đi, biến mất đi trong Chúa bằng cách say mê chiêm ngưỡng vẻ tốt lành vô cùng của Ngài. Như vậy, sau cùng nó đã tìm thấy sự bình an tuyệt vời dầu nó đầy những thiếu thốn và khốn nạn. Nó đã làm đúng như lời Chúa Giêsu khuyên một linh hồn Ngài rất thương yêu là chị Bêninha Consolata : “Con đừng mất thời giờ, dầu một phút, để nghĩ về mình, dầu nghĩ về linh hồn con hay thân xác con. Con có một phu quân, Ngài lo tất cả những chuyện đó cho con. Còn con, con hãy lo yêu mến Ngài hết sức con”[11]. Đúng thế, linh hồn đó đã quên mình đi, nhưng Thiên Chúa lo cho nó. Nó không nghĩ gì đến bản thân nó nữa, nhưng Thiên Chúa lo nghĩ cho nó với tất cả tình thương đặc biệt của Ngài. Thiên Chúa là tình yêu vô cùng, Ngài không để mình phải thua vật thọ tạo nhỏ bé của Ngài về lòng quảng đại.

Một linh hồn rất quảng đại, quen sống hoàn toàn quên mình vì Chúa, đã viết những dòng đầy ý nghĩa sâu đây : “Không phải tôi không đau khổ, ồ, không phải thế đâu. Nhưng tôi biết Chúa lo cho tôi, công việc của Ngài là nhìn xem để biết tôi đau khổ đến đâu, cho nên tôi không nghĩ đến bản thân mình nữa, công việc của tôi là lo cho Ngài. Quên đi tất cả mọi sự, tôi cố gắng để hết lòng lo cho Ngài, lo cho một mình Ngài. Tôi phải là con người bé nhỏ, luôn luôn lo cho Ngài là Đấng bị bỏ quên qúa rồi… Khi những cảm nghĩ nặng nề xâm chiếm hồn tôi, đe dọa làm hồn tôi bối rối và buồn phiền, tôi vội chạy vào ẩn náu nơi Chúa, và luôn luôn tôi tìm thấy bình an… Nhiều khi tôi cảm thấy tâm hồn trống vắng, cuộc sống trở nên vô vị, và trái đất trở nên hoang vắng. Khi đó tôi nghĩ : Thiên Chúa là Cha tôi, Ngài ở đó, Ngài dẫn dắt tôi. Chúa Giêsu yêu thương tôi. Và tôi thấy con đường tôi đi rất chắc chắn : đó là thánh ý của Chúa Cha, được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan vô cùng của Ngài, quyền năng và tình thương vô cùng của Ngài. Thế là cuộc đời không còn vô vị nữa, và trái đất không còn hoang vắng nữa, bởi vì tôi có thể dùng cả cuộc đời để lo cho Chúa là Đấng đổ đầy ơn xuống trái đất, và bởi vì tôi luôn luôn lo cho Thầy chí thánh của tôi, Đấng luôn hiện diện, luôn sống và thương yêu”[12].


 


[1]     Caussade, op. cit., t.II, p.181 : Thư gởi nữ tu Rosen.

[2] Caussade, tr.196 : Thư gửi nữ tu Vioménil.

[3] Nhật ký của Lucie - Christine, do Cha Poulain S.J. xuất bản, trong tủ sách “Adoration Perpétuelle”. Paris.

[4] Autobiographie. Conseils et Souvenirs, p.263

[5] Tiểu sử một linh hồn, tr.261.

[6] Xem lại chương I cuốn sách này : Bản chất của niềm tín thác.

[7] Các thư linh hướng của Đức Cha Gay, trích dẫn bởi Cha De Smedt, S.J. trong cuốn Notre vie surnaturelle, t.II, p.496-497.

[8] R.P. Martin, La petite voie d’enfance spirituelle (con đường nhỏ của tuổi thơ ấu thiêng liêng) Ch. IV.

[9] Nữ tu Bêninha Consolata Ferrerô. Cơ sở truyền bá Thánh Tâm Chúa. Lyon, tr. 161.

[10] Cũng trong sách đó, tr. 167

[11] Nữ tu Bêninha Consolata, p.157

[12] Roaul Plus S.J., Marie-Antoinette de Geuser (Vie de “Consummata”) p.172